Sinh viên đối phó với giá cả
Sống độc lập nhưng tài chính không độc lập, sinh viên sống xa nhà với mức trợ cấp có hạn từ gia đình luôn trong tình trạng phải thắt lưng buộc bụng. Không ăn vặt, hạn chế mua sắm, giảm đến mức thấp nhất những khoản chi tiêu có thể cắt giảm, …Đời sống vì thế mà cũng chật vật hơn bao giờ hết.
Tiền nhà, điện nước, học phí là những khoản bất di bất dịch không thể “cắt” thêm được nữa, với sinh viên tiết kiệm thứ cắt giảm đầu tiên mà họ nghĩ đến chính là việc ăn uống. Bữa ăn sinh viên luôn đơn giản nhất có thể.
Ghé vào các dãy trọ sinh viên vào giờ nấu ăn, sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh trên bếp chỉ có ít rau luộc, vài miếng đậu hũ, quả trứng rán. Đắt đỏ thế này, thịt cá đối với sinh viên khá là xa vời, món “sang” có thể kể đến của họ là cổ gà (12.000 đồng/kg) hoặc gan lợn. Thậm chí có sinh viên cả tuần không hề động đũa tý thịt, tý cá nào…
Với sinh viên tự nấu ăn thì như thế, nhiều sinh viên ăn ngoài cũng tiết kiệm theo kiểu ăn cơm bụi thì… cơm là chính, thức ăn là phụ. Gọi thật nhiều cơm, thức ăn chỉ cần lèo tèo vài thứ rồi tận dụng thêm nước mắm, nước canh miễn phí của quán cơm, cốt no bụng là được. Không ít sinh viên ăn cơm bụi cũng đã chuyển sang “lăn vào bếp” để nhằm mục đích tiết kiệm hơn.
Để có thể có đủ tiền ăn, tiền chi tiêu đi học, sinh viên phải “hi sinh” những thú vui thường nhật và lao vào kiếm việc. Đây là một trong những hình thức “cứu trợ” mà một số sinh viên nghèo vẫn luôn vận dụng. Các công việc mà sinh viên vẫn thường làm như: gia sư, bán hàng, phát tờ rơi,… trở nên khan hiếm do số sinh viên kiếm việc làm quá đông.
Đối mặt với tình hình giá cả leo thang như hiện nay, nỗi lo cơm áo dường như đè nặng hơn với mỗi sinh viên. “Chưa lúc nào khổ như hôm nay” là điệp khúc mà nhiều cô cậu sinh viên vẫn nghêu ngao hát cho nhau nghe trong thời bão giá. Và, cuộc sống cơ cực ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và tinh thần của họ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét